Thứ bảy, 18/05/2024 - 13:21
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ truy điệu và an táng 15 hài cốt Liệt sĩ hy sinh tại Lào Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên Đảng ủy Quân khu 4: Triển khai Quyết định, Kế hoạch giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nga duyệt binh mừng 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản
Trại trẻ Quân khu 4

Trại trẻ Quân khu 4 - Ký ức một thời

Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ 5/8/1964, đế quốc Mỹ ồ ạt leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân. Chúng huy động đủ các loại máy bay tại các căn cứ quân sự ở: Thái Lan, Ha-oai, miền Nam, Hạm đội 7… ngày đêm đánh phá ác liệt vào các vùng trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị)… Mục tiêu đánh phá là các cơ quan Đảng, Nhà nước, đường giao thông, cầu cảng, các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, các đơn vị Quân đội… Ngoài biển thì pháo từ các tàu khu trục của Hạm đội 7 bắn vào đất liền cả ngày lẫn đêm.

Miền Bắc 10 năm sống trong hòa bình, đang từng bước xây dựng CNXH, để làm hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam, nay vừa là chiến trường, vừa là hậu phương. Quân khu 4 trở thành địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, tuyến đầu của Tổ quốc, trực tiếp đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trên địa bàn Quân khu, một số địa phương đề nghị Trung ương cho sơ tán dân cư ra các tỉnh phía Bắc (hoặc lên các vùng núi cao) để tránh bom đạn. Nhân dân và LLVT Quân khu đã dàn trận đối phó với chiến tranh phá hoại của kẻ thù. Trận địa phòng không, pháo binh được giăng lên ở các khu vực trọng điểm, hầm hào, công sự được củng cố từ các làng, xã, trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy với quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trước mức độ ác liệt của chiến tranh ngày càng cao, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu tỏa khắp các mặt trận để chỉ đạo, triển khai hoặc trực tiếp chỉ huy các đơn vị LLVT, dân quân tự vệ các địa phương với phương châm “Phòng chống, đánh trả và đánh thắng mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù”.

Đại úy Thái Lê Khanhù, Trại trưởng Trại trẻ Quân khu giai đoạn 1965 - 1971 bên cạnh những đứa trẻ.
                                                                                                                               Ảnh: Tư liệu

 

Trong bộn bề nhiệm vụ, Cục Chính trị Quân khu đã đề xuất Thường vụ Quân khu ủy – Bộ Tư lệnh thành lập trại trẻ Quân khu 4, đưa con của sĩ quan trong LLVT Quân khu và các đơn vị chủ lực của Bộ đóng quân trên địa bàn về nuôi dưỡng, giáo dục, ươm mầm những hạt giống đỏ sau này; tránh những mất mát, tổn thất để bố mẹ yên tâm công tác, chiến đấu. Trại được các chú công binh làm tại xã Thanh Bình, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nói xây dựng thì quá to tát, chỉ là những căn nhà âm dương (nửa nằm dưới đất, phần mái nằm trên). Mái lá, cột gỗ, kèo tre, xung quanh là những tấm phên nứa, có hào giao thông bao quanh, các lán nằm trong các thôn, xóm dưới chân các ngọn đồi. Tổ chức quản lý trại gồm: Ban chỉ huy trại, các chú bảo vệ, các cô, dì chăm sóc; nhà bếp, quân y. Trại chia thành 3 lớp: Lớp lớn, lớp nhỡ, lớp bé. Độ tuổi mỗi lớp cách nhau 2 – 3 tuổi. Lớp nhỡ và lớp bé, các bạn nam, nữ đều ở chung.

Những ngày đầu nhập trại, cũng như mọi đứa trẻ “Ngày đầu tiên đi học”, ở lớp nhở và lớp bé, bố mẹ và các cô hết khổ với các cháu. Khi chia tay bố mẹ, các cháu khóc thét lên, ôm chặt lấy cổ, lấy chân không cho bố mẹ về, không chịu ở lại trại. Con khóc, bố mẹ khóc, các cô cũng rưng rưng, đành phải dỗ dành cho các cháu ngủ xong, bịn rịn nhìn con đắm đuối rồi đi. Sau đó các cô có kinh nghiệm, căn dặn bố mẹ khi chia tay cứ im lặng mà đi. Các cháu nhiều ngày sau vẫn khóc, vẫn đòi về với bố mẹ. Lớp lớn hiểu biết hơn, trong lòng tuy buồn nhưng vẫn chào bố mẹ để quay lại trại.

Về cuộc hành quân của đoàn Quảng Bình về trại trẻ. Đang thời kỳ đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ, Quốc lộ 1A nhiều đoạn bị bom đạn phá hư hỏng nặng. Ngày 23/12, trước Nô en, đế quốc Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom. Tranh thủ thời cơ này, Tỉnh đội Quảng Bình triệu tập các cháu được bố mẹ gửi ra trại trẻ về tại Chiêu đại sở, bên dòng sông Nhật Lệ. Trong ánh trăng muộn từng nhóm bố mẹ và các con dành cho nhau những tình cảm thương yêu nhất trước lúc chia tay. Tỉnh đã chuẩn bị sẵn một chiếc xe ZIN 157 cùng một số cô, chú đi theo. 21h00 ngày 24/12, xe xuất phát, trên xe ngoài đồ dùng của các cháu, còn có bánh chưng, cơm nếp của các gia đình chuẩn bị cho các cháu ăn đường. Ngoài ra, xe còn chở hai vị “khách đặc biệt” là phi công Mỹ bị dân quân Quảng Bình bắt sống được đưa ra Bắc. Gần sáng, qua Đèo Ngang, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, mưa tầm tã, bạt thấm mước, các cháu ướt và rét nằm ôm nhau ngủ ngon lành. Đến chiều 25/12, có mặt tại trại và hòa nhập cuộc sống.

Rồi cuộc sống cũng quen dần, nỗi nhớ bố mẹ, gia đình cũng nguôi ngoai bằng tình yêu thương dạy dỗ, chăm sóc của các cô, các chú. Quần áo được các cô thêu tên, giặt giũ, hướng dẫn chỗ phơi khăn mặt, quần áo, cách xếp chăn màn… Ngoài thời gian học ở trường làng, thời gian còn lại các cháu tự do chơi trong lán trại của mình, hoặc được tập hát, tập múa cho những đêm liên hoan văn nghệ. Những điệu múa Pu chăm xi, Inh lả ơi và bài hát “Người Châu Yên bắn rơi máy bay”, “Dân quân Thạch Hà bắt phi công”… được cô Minh dàn dựng tập cho các cháu. Lớp lớn có thêm nhiệm vụ chăn dê, lấy củi cho nhà bếp. Thỉnh thoảng, chúng tôi rủ nhau lên đồi hái sim, mua để ăn. Có lần mấy đứa thấy quả song chín màu vàng vị chua hái về, ăn xong đứa nào cũng bị nôn, các cô lo lắng phải gọi quân y cấp cứu. Tối ngủ thì theo thứ tự do các cô sắp xếp mà lên sạp nằm, như cá trích xếp trong nồi vậy. Nam một bên, nữ một bên, cả một sạp dài rộng, thoải mái quay trở. Mùa Đông khi nằm ai cũng đúng vị trí của mình, đêm lạnh ở ngoài cứ dồn vào giữa nằm ôm nhau mà chủ, chân đứa này gác lên mặt đứa kia, rồi đạp nhau, rồi ú ớ, rồi im lặng chìm vào giấc ngủ.

Mọi hoạt động đi vào nề nếp, hình thành từng đôi bạn thân, nhóm bạn thân. Ý thức tập thể, kỹ năng sống dần được rèn luyện. Có gia đình 3 – 4 anh em đều ở trại, các anh chị có em ở lớp bé luôn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình với các em. Hàng ngày, lúc nào rảnh rỗi, anh chị đều xin phép các cô xuống thăm, bảo ban các em. Khi mọi người đang vui vẻ với cuộc sống ở trại, thì bạn Tuyết Mai và em gái của mình nhận được tin sét đánh: Bố hy sinh ở chiến trường. Hai chị em tuy còn nhỏ nhưng đã cảm nhận được nỗi mất mát tột cùng, ôm nhau khóc suốt ngày. Các cô, chú dành hết tình cảm yêu thương đặc biệt để chăm sóc 2 bạn vượt qua nỗi đau thương quá sức của những đứa trẻ.

Ở Thanh Bình, có một “đặc sản” mà ai cũng mang trên mình dù ít, dù nhiều, dù nhanh khỏi hay lâu khỏi đó là: chí và ghẻ. Trước tiên nói về chí, trứng chí thì như hạt cườm đính trên tóc, bạn nào nhiều thì đúng là chí bò lổm ngổm như xe cóc. Nhiều thì được cô bắt cho, còn lại thì từng cặp đôi bắt cho nhau. Thứ hai là ghẻ, ghẻ từ hai bàn tay, xuống bẹn đến hai chân. Da trẻ con mỏng nên thấy rõ đường ghẻ đi như giao thông hào. Con ghẻ màu đen, nhỏ bằng đầu sợi tóc lấy kim khêu  bỏ trên móng tay dí mạnh nghe tiếng cắc như mình giết chí vậy. Ghẻ sợ hơn chí, nhiều bạn bị nhiễm trùng, hai tay, hai chân chỉ thấy màu xanh của thuốc ghẻ. Có bạn nữ mái đầu loang lổ còn lại mấy đám tóc, nam thì tóc cắt như nhân vật Tam Mao. Bệnh hay lây, mà còn là trẻ con lại ở chung nên chữa trị cũng lâu khỏi. Ngày nào các cô cũng chuẩn bị nước gội đầu bồ kết, nước muối nhạt để ngâm tay, ngâm chân. Quần áo hàng ngày đều ngâm nước đun sôi. Cuối cùng, các cô, các chú cũng chế ra một loại thuốc cóc để trị ghẻ. Cóc được để nguyên như vậy, bỏ vào ống bơ, đun đến khi thành một thứ sền sệt, khen khét mà đến nay chúng tôi vẫn còn cảm nhận được mùi vị đó. Nạn chí và ghẻ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Cuộc sống cứ vậy êm đềm trôi qua ở làng quê Thanh Bình yên tĩnh. Không phải nghe tiếng đạn bom và gầm rú của máy bay. Rồi đến một buổi chiều, cả trại nghe tiếng động cơ máy bay gầm rú trên đầu. Sau đó là những ánh chớp phía sau triền núi, đến nữa là tiếng nổ ầm ầm của bom đạn. Tiếng các cô hét các cháu vào hầm trú ẩn. Liên tiếp nhiều ngày sau đó đều như vậy, ánh chớp sáng hơn, tiếng bom gần hơn. Mùi khét của khói bom đến nhanh hơn. Phán đoán trại bị lộ, Quân khu quyết định sơ tán trại bằng xe ô tô ra xã Cộng Hòa, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Đợt sơ tán các cháu có pháo 37mm đi cùng để bảo vệ. Tạm biệt làng quê Thanh Bình, chúng tôi gói đùm theo các cô, các chú ra Thanh Hóa.

Những đứa trẻ ở Trại trẻ Quân khu giai đoạn 1965 - 1971.
                                                                                                Ảnh: Tư liệu

 

Những ngày đầu mới ra, chúng tôi ở trong nhà dân để các cô, chú làm nhà ở. Mấy năm ở trại, chúng tôi đã lớn khôn hơn nhiều. Tuy còn nhỏ nhưng đã biết phụ giúp các chú, các cô làm việc vặt. Bạn nữ thì đun nước, nhặt nhạnh những mẫu tre, nứa, tưới nước nền nhà. Bạn nam thì đào hố, trộn đất với rơm đạp nhuyễn để trát tường. Những căn nhà nhỏ được hình thành và chuyển vào ở, nền nếp sinh hoạt được giữ như ở Thanh Bình.

Ở Thanh Hóa không lâu, trại nhận lệnh chuyển về núi Chung, xã Kim Liên, quê hương Bác Hồ vĩ đại. Cả trại háo hức chờ mong mau được về quê Bác, về ngọn núi Chung mà ngày trước, Bác Hồ như độ tuổi của chúng tôi bây giờ thường lên núi chăn trâu, thả diều, quê hương nuôi lớn ước mơ, hoài bão của cậu bé Nguyễn Sinh Cung. Trại nằm ở phía Tây chân núi Chung, những mái nhà âm dương đã được làm sẵn, chúng tôi chỉ việc vào ở. Mỗi buổi chiều, chúng tôi từng tốp trèo lên núi Chung ngắm nhìn làng quê, ruộng đồng xanh mướt trải dài xa thẳm. Phía Bắc là làng Trù quê ngoại Bác với hàng cây xà cừ cổ thụ như hàng quân ngay ngắn, xa nữa là dãy Đại Huệ sừng sững lúc gần, lúc xa. Trong chúng tôi hằng ao ước sẽ có một ngày được lên núi Đại Huệ. Và hiện thực, nhiều đứa chúng tôi sau đó được sống dưới chân núi Đại Huệ. Tốt nghiệp cấp 3 tại Nam Đàn và xem Nam Đàn là quê hương thứ hai của mình. Phía Đông núi Chung là núi Thành, núi Dũng Quyết và những đỉnh núi trùng điệp của dãy Hồng Lĩnh. Phía Tây là núi Đụn mà trong sử sách đã nói về mảnh đất địa linh nhân kiệt sẽ sản sinh ra một người con vĩ đại của dân tộc. Tiếp nối là dãy Thiên Nhẫn, dòng sông Lam như dải lụa uốn lượn. Xa xa là dãy Trường Sơn xanh thẳm, hùng vĩ. Cứ mỗi buổi học, chúng tôi từ phía Tây trèo qua phía Đông xuống học trường làng dưới chân núi. Lớp lớn thì theo con đường có hàng cây xà cừ ra quê nội Bác học. Trong mỗi chúng tôi, cứ lớn dần niềm tự hào được sống trên quê hương Bác, tình yêu quê hương đất nước.

Rồi một ngày, cả trại bàng hoàng, sững sốt nghe tin Bác mất. Cô cháu ôm nhau khóc sướt mướt, không tin đó là sự thật. Các cháu mặc quần áo chỉnh tề, khăn quàng đỏ trên vai, băng tang treo trước ngực, xếp hàng ngay ngắn ra Bảo tàng quê Bác dự Lễ truy điệu. Sau Lễ truy điệu là mít tinh với khẩu hiệu “Biến đau thương thành hành động cách mạng”. Với chúng tôi, học giỏi, ngoan ngoãn nghe lời các cô chú là hành động thiết thực nhất lúc bấy giờ. Lúc này về gần Quân khu nên sách báo cũng đưa xuống trại nhiều. Chúng tôi được đọc những cuốn truyện tranh nói về các anh hùng, dũng sĩ miền Nam, thầm cảm phục những tấm gương dũng sĩ nhỏ tuổi, mưu trí diệt Mỹ - Ngụy, trông mau lớn để tiếp bước các tấm gương đó. Chúng tôi được đọc tiểu thuyết “Cuộc phiêu lưu của Ca-rich và Va-li-a” nói về các bạn nhỏ nghịch ngợm, uống nhầm thuốc phóng to, thu nhỏ, phải phiêu lưu trong vườn cỏ, làm bạn với kiến, châu chấu… Những lần lên núi Chung, chúng tôi nhặt được truyền đơn của Mỹ rải đem về đốt, bện mũ rơm đội đi học. Các anh lớp trên có trò chơi gì đều bày cho các em nhỏ chơi như đánh trận giả, chơi cờ súy. Những năm tháng ở núi Chung, quê hương Bác đã rèn dũa chúng tôi khôn lớn nên người rất nhiều. Biết ước mơ, nuôi hoài bão, tình thân ái với các cô chú, bạn bè, tính kỷ luật của người lính, lòng tự hào về bố mẹ, về quê hương được nuôi dưỡng, vun đắp lớn dần.

Rồi chúng tôi cứ thấy bố mẹ đến và đưa các bạn về. Mỗi chúng tôi cứ nghĩ chắc các bạn được về thăm gia đình sau nhiều năm xa cách. Trông ngóng mãi không thấy các bạn lên, trại cứ thưa thớt dần. Những bạn bố mẹ đang ở chiến trường, chưa có điều kiện đón thì được theo gia đình bác Đường gái (vợ của Đại tá Phan Văn Đường, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu), dì Liễu về sống chung. Có bạn thì được gửi cho mấy bác, chú ở Bảo tàng hoặc gia đình người quen. Một số bạn theo bố, mẹ lên Trại Hồng (Quân khu bộ) hoặc Trạm khách T50. Trại không tổ chức chia tay hoặc thông báo giải tán nên có lẽ trong mỗi người ai cũng sống bằng kỷ niệm và ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của mình. Để lại có những lần gặp mặt mà cứ nghĩ chưa xa cách bao giờ.

Thành viên Trại trẻ Quân khu giai đoạn 1965 - 1971 gặp mặt và thăm khu di tích Kim Liên nhân dịp 51 năm ngày thành lập Trại trẻ vào ngày 6/8/2016.
                                                                                                                                                           Ảnh: HỒ VIỆT

 

Kỷ niệm 51 năm thành lập Trại trẻ Quân khu (1965 – 2016), ngày 6/8/2016, được sự đồng ý của Thường vụ Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu, Cục Chính trị tổ chức gặp mặt và đón tiếp các cô, dì và những đứa con của người lính đã được Quân khu nuôi dưỡng, chở che từ năm 1965 – 1971 tại Nhà khách Quân khu. Dưới sân nhà khách, những mái đầu điểm bạc với đủ chất giọng đang trò chuyện, hàn huyên với nhau như một buổi đi học về. Từ cái nôi trại trẻ ấy nay đã có người là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Người là kỹ sư, bác sỹ, giáo viên, doanh nhân, sĩ quan Quân đội… Mới ngày nào đó còn là đứa trẻ khóc nhè, đái dầm mà nay đã trở thành ông bà nội, ông bà ngoại cả rồi.

Cũng từ sự kiện đó, đã thành thông lệ, hàng năm, những người con của lính ở Trại trẻ Quân khu 4 lại gặp mặt ôn lại kỷ niệm xưa. 

PHAN THANH SƠN


Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội