Thứ bảy, 18/05/2024 - 16:28
Tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ truy điệu và an táng 15 hài cốt Liệt sĩ hy sinh tại Lào Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 4: Dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên Đảng ủy Quân khu 4: Triển khai Quyết định, Kế hoạch giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nga duyệt binh mừng 79 năm Ngày Chiến thắng phát xít Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ CẬP NHẬT Lực lượng vũ trang Quân khu 4 xem tường thuật trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gạo Chiến dịch 972

  Chúng tôi đang thực hành chiến dịch đánh máy bay ở Bắc Nghệ An thì nhận được điện của anh Quách Sĩ Kha, Phó Chính ủy Quân khu: “Sô về ngay, có nhiệm vụ mới rất quan trọng, Huỳnh Môn ra thay”. Anh Cận, Tư lệnh chiến dịch nhìn tôi vẻ thông cảm: “Rất tiếc là chiến dịch đang trên đà thắng rộn rã thì cậu lại đi”.

 

          Trời vừa tối. Mưa rả rích. Một chiếc com – măng – ca đầy lá ngụy trang lấm bùn đất chậm chạp tiến tới chân đồi, nơi đặt sở chỉ huy. Đồng chí Huỳnh Môn xuống xe ôm chầm lấy tôi và anh Cận, nói: “Bộ Tư lệnh và cơ quan phấn khởi lắm, khen các anh và các đơn vị làm ăn khá. Anh Sô về để đi công tác C gấp. Anh Thuận đã đi mấy hôm rồi.

          Vào hầm nghỉ, vừa ăn cơm vừa trao đổi một số việc xong, tôi ra xe. Đồng chí Các lái xe hỏi: “Về đường nào thủ trưởng? Ta về đường 1”.

          Lúc đó địch đang đánh cầu Hoàng Mai, Phương Tích và thị trấn Cầu Giát. Xe vòng vèo tiến ra đường chính trong đêm tối mịt mùng. Đồng chí Các và Thi công vụ bảo: “Thủ trưởng tranh thủ ngủ một lát, ta phải đi suốt đêm nay”.

 

Quân và dân Quân khu 4 vận chuyển hàng tại cảng Gianh, năm 1969

 

          Xe vượt nhanh qua thị trấn Cầu Giát, khói lửa còn mịt mùng, vào Cầu Cấm Bào, Yên Lý đường lầy lội. Nhờ có anh em công binh và dân quân đẩy hộ xe mới qua nổi. Đến Mỹ Lý thì phía trước địch ập vào đánh cầu Cấm bằng nhiều tốp, nhiều đợt nối nhau liên tiếp. Một tổ dân quân nhìn vào xe nói: “Kiểu này chúng đánh đến sáng, thủ trưởng nên đi vòng thôi”. Thế là Các cho xe bò theo chân núi. Mãi đến năm giờ sáng chúng tôi mới mò mẫm về đến cơ quan.

          Thấy anh Phan Văn Đường (Chủ nhiệm chính trị Quân khu) đã dậy tập thể dục trước nhà, tôi xuống xe đi tới. Anh ôm chặt tôi, hai tay vỗ vào lưng. Anh nói giọng Quảng Ngãi: “Toốc, toốc, toốc quá! Cậu về rửa ráy, ăn cơm. Sáu rưỡi cùng mình lên giao ban và nhận nhiệm vụ mới”.

          Buổi giao ban nhanh hơn, chỉ còn lại tôi, anh Đường, anh Lư tham mưu phó cùng các anh trong Thường vụ, Bộ Tư lệnh, anh Lư trao văn bản nhiệm vụ. Tư lệnh Đàm Quang Trung châm thuốc, nói luôn: “Thường vụ và Bộ Tư lệnh đã chỉ định ban cán sự và Bộ Tư lệnh chiến dịch 972 giao nhiệm vụ cho các cơ quan khẩn trương triển khai. Yêu cầu nắm vững tư tưởng chỉ đạo của chiến dịch…”.

          Chính ủy Lê Quang Hòa nhấn mạnh thời cơ chính trị và phân tích “phải phát huy cao độ hiệu lực công tác Đảng – công tác chính trị, chấp hành tốt chính sách dân tộc giữ gìn mối tình đoàn kết đặc biệt Việt – Lào”.

          Anh Quách Sĩ Kha, nói thêm: “Mở một chiến dịch tấn công bất ngờ trên một chiến trường xa, hiểm yếu, hành lang trên 250 km, chưa được chuẩn bị tất nhiên là sẽ gặp nhiều khó khăn, tôi tin mọi việc cũng sẽ giải quyết được, song còn một vấn đề học búa nhất là … gạo”.

          Giao ban xong từng anh bắt tay tôi chúc mừng thắng lợi. Anh Lư kéo tôi về Bộ tham mưu gặp Đỗ Cần – tham mưu trưởng chiến dịch. Anh ấy mới đi đôn đốc các đơn vị địa phương trong việc tuyển quân đột xuất, lo vận động dân công, lo xe cộ, chuyển gạo, đạn, thuốc men… mới về.

          Anh cho biết: Từ đầu năm tới nay, lực lượng và vật chất Quân khu đều dồn vào chiến dịch Quảng Trị. Bộ đội dân công lên đường thiếu đủ thứ nhưng không ai kêu ca, phàn nàn gì. Anh chị em chỉ đề nghị: “Mong Quân khu đẩy lên sớm cho đỡ vất vả”.

          Chúng tôi sang Cục Hậu cần. Chủ nhiệm Lê Thiết ra ôm chầm lấy tôi. Giọng anh xót xa: “Hàng mấy ngày bộ đội và dân công đi chiến dịch mà sờ vào thứ gì cũng thiếu, từ gạo đến đạn dược. Cán bộ trong cục đã bố trí đi bốn phương tám hướng cả. Anh Phạm Đạo, anh Miên cùng một số dân công đã lên Lạc Xao với hơn ba tạ gạo, triển khai kho trạm trước, nhưng mưa lũ kéo dài thế này chưa chắc đẩy hàng lên được, nhất là gạo.

          Tôi trở về làm việc với anh Đường. Anh dặn dò thêm: “Thời cơ chính trị rất tốt, bạn yêu cầu phối hợp. Chiến dịch này rất quan trọng và thời gian rất khẩn trương”.

          Tối hôm đó nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cục lên thăm tôi ngồi chật nhà, ai cũng xin đi chiến dịch. Nghe ồn ào vui vẻ anh Đường đi xuống: “Làm gì mà tập trung đông thế này? Báo cáo anh, anh chị em xin đi chiến dịch”.

          Anh Đường nói như quát: “Lên đông lấy gạo đâu mà ăn. Đi trước với anh Sô chỉ bốn, năm người thật cần thiết thôi”.

          Anh chỉ vào cháu Hương cấp dưỡng: “Nếu cháu Hương có nồi cơm Thạch Sanh thì cho đi tất”.

          Hôm sau đoàn chúng tôi lên đường. Chiếc xe, được ngụy trang rất chu đáo, thẳng một mạch suốt đêm từ Nam Đàn lên Sơn Kim. Xuống xe ngả lưng một lúc, rồi cơm nước xong, mỗi người một chiếc gậy bắt đầu cuốc bộ dưới trời mưa rét.

          Đường số 8 từ lâu ít sử dụng, cây cối mọc lấn ra lòng đường. Đất đá sụt lở chắn hết cả lối đi. Các ngầm Rào Qua, Rào Mắt, Nậm Tuồng, Nước sối, nước sâu và chảy xiết. Những nơi đó công binh căng sẵn dây cáp, từng người tống hết đồ đạc vào bao ni lông đựng gạo rồi bíu dây cáp mà bơi. Trên đoạn đường này d2, d30 công binh cùng với dân công Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc đang rải ra từng đoạn chặt cây, san đường. Anh chị em vừa làm vừa hát hò, trêu nhau cười nói râm ran quên cả rét. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ Hồ Khải Đại ở cùng tôi hồi mặt trận B5 – 1966 – 1967: “Đường ra trận hôm nay con đường sống. Bãi mít xanh soi bóng bến Ô Giang”.

          Chúng tôi đến bản Napé. Vắng teo. Thỉnh thoảng có vài dân quân đeo súng qua lại. Đường lầy bùn tận đầu gối. Dân quân cho biết năm nay bản mất mùa nặng. Dân đói. Máy bay địch thường xuyên đánh phá. Dân phải tán vào rừng tránh địch và kiếm củ rừng để sống cho qua vụ này.

          Trưa hôm sau đoàn chúng tôi đến Lạc Xao. Ở đây, anh Phạm Đạo, Phó Tư lệnh chiến dịch, anh Miên, Chủ nhiệm Hậu cần và anh Thi, Tham mưu phó cùng anh chị em dân công đang làm kho để đón gạo, đạn từ Hà Tân lên. Anh nào cũng lo lắng, sốt ruột: “Đến giờ này trong tay mới có hơn một tấn gạo, một tấn gạo thì đánh chác gì? Muối cũng chưa có hạt nào nữa!”.

          Anh Phạm Đạo nói: “Sẽ cho dân công tải ngay số gạo, đạn này vào Nậm Thon, cố đẩy được hàng từ Hà Tân lên nhanh. Sông suối bên ta quá dốc, bè mảng không chịu nổi. Dân công có lên được hai chuyến cũng bị trôi mất một số gạo”.

          Đang lúc đứng ngồi không yên, thì anh Thuận phía trước điện về sắp hết gạo: Tiêu chuẩn một ngày phải chia ăn hai ngày. Có vay được một ít bên chuyên gia và bạn nhưng ở nơi đó cũng đang chạy sốt vó mới có ăn từng đợt 3 – 5 ngày một. Tội nhất là anh em trinh sát đang bám mục tiêu Thà Khẹt, không vào đâu xin ăn được vì sợ lộ phải dùng đến lương khô, lúc đầu thì cả phong một nữa sau phải tính đến từng thanh cùng với rau rừng. Tôi bàn với anh Đạo cấp cho chúng tôi thêm năm ngày gạo để còn thừa hỗ trợ cho anh em trên đó.

          Khi tôi lên, anh Thuận và anh em rất mừng, nói to: “Hoan hô! Ta có thêm người chạy gạo rồi”. Anh Thuận nói: “Cơ quan vẫn duy trì ăn bốn lạng vài ba ngày nữa để dồn gạo đưa cho bộ phận chuẩn bị chiến trường”.

          Hôm sau tôi nhận được điện anh Phạm Đạo báo cáo lên Lạc Xao đã nhận được trên 30 tấn gạo đang tổ chức đưa vào Nậm Thon bằng gồng gánh. Các đơn vị đều chuyển gạo theo từng cung trạm. Mừng nhất là đã có mười xe gạo vượt Napé đến Na Hương, Lắc Chết, như vậy là đông tây biên giới đã thông xe. Chúng tôi báo cáo về quân khu, điện cho anh Đỗ Cần (đã lên Hương Sơn) anh Phạm Đạo là các đơn vị phải tham gia chuyển gạo trước khi vào vị trí chiến đấu. Đơn vị cơ giới khi lên cũng phải cõng thêm gạo.

          Tôi cùng anh Đồng tổ chuyên gia chính trị, anh Hoàng Đồng tổ chuyên gia quân sự đi làm việc với Thường vụ tỉnh ủy Khăm Muộn về vấn đề gạo. Sau đó anh Văn Thoong, Bí thư tỉnh tủy Khăm Muộn triệu tập cơ quan phổ biến và nêu vấn đề gạo. Nhiều đồng chí thương bộ đội Việt Nam rưng rưng nước mắt. Sáng hôm sau, anh Văn Thoong dẫn đầu một đoàn đi Xon – xa – núc, anh Cuột, Phó bí thư đi Nho – ma – rát để chỉ đạo công tác vận động gạo…

          Cán bộ chuyên gia và cơ quan chiến dịch cũng phân ra nhiều hướng cùng cơ quan tỉnh bạn về các địa phương tuyên truyền Nhân dân giúp đỡ. Khốn nỗi nhiều địa phương đói gần hai tháng nay. Nhiều người dân nói: “Nghe cán bộ, bộ đội nói thì bà con rất thương, nhưng dân không có gạo. Dân chỉ có thể gùi gạo cho bộ đội được thôi!”. Góp gió thành bão chỉ trong năm ngày từ nhiều nơi đã vận động được 100 dân công chuyển về gần 100 tấn gạo. Ở Xom – xa – núc, Ma – ha – xây, Nho – ma – rát, anh Văn Thoong, anh Cuột báo về cũng huy động được hơn 20 tấn và đang chuyển dần về. Ai nấy đều phấn khởi thấy khỏe ra mặc dù gạo còn nằm đâu đâu. Cũng may, sở chỉ huy gần suối Na Koọc nhiều cá vô kể. Các bộ phận cử người mang màn tuyn xuống kéo cá ăn độn với gạo và rau rừng.

 

Liên minh chiến đấu Việt Lào.

 

          Đầu tháng 11/1972, các đơn vị bộ binh đã vào vị trí chiến đấu với gạo muối 7 lạng một ngày. Tuy máy bay đánh phá ác liệt các trọng điểm Napé, Nạm Phao, Nậm Thơn; từ Ma – ha – xây, Nho – ma – rát, anh Cuột đã huy động thuyền dân tải và dân công gùi gạo dần vào Pha Năng. Phía Xom – xa – núc, anh Văn Thoong đã cho sửa gấp chiếc xe tải cọc cạch duy nhất của tỉnh chuyển gạo giúp bộ đội trên các đoạn đường ngắn. Địch ra thăm dò, đều bị ta và bạn chặn đánh, tiêu diệt được một số, bắt tù binh. Một bộ phận nhỏ ta cùng với bạn tập kích một số mục tiêu trong thị xã. Địch hoảng hốt di chuyển gia đình qua Thái Lan. Bạn phát động phong trào “dồn gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng”. Nhân dân các vùng giải phóng cũ sôi nổi góp gạo, đi bộ đội, vào dân công.

          Một lần chúng tôi xuống dự rút kinh nghiệm trận thắng của D44, nghe anh em phát biểu: “Đáng ra chúng tôi còn thắng lớn hơn nếu vây chặt hơn, xung phong truy kích mạnh hơn, nhưng xin thú thực, cái bụng đói quá, đôi chân yếu quá không chạy nhanh được, vì đã năm hôm nay phải ăn rút tiêu chuẩn, kéo dài ngày có ăn để đánh giặc”.

          Hướng Bô – ly – khăm – xay, anh Đỗ Kế Thoa báo cáo về đã cùng với bạn tiêu diệt địch ở Nậm Thơn trên đường 13… Chúng tôi báo tin thắng lợi, tin dân công đang chuyển gạo vượt đèo Phù Lắc, tin địa phương đã góp được 50 tấn gạo đang chuyển dần về. Nghe được tin đặc biệt này, lính trẻ ôm nhau reo hò: “Sắp có gạo rồi! Sắp được ăn no rồi!”.

          Đồng chí Lương Tư và Đỗ Cần cùng anh em đốc chiến phía sau, xe hậu cần đã lên được Lạc Xao. Các đơn vị cơ giới cũng lần lượt tập kết, anh nào cũng cõng thêm gạo, nhưng các sông trên đường vào Na Kay nước còn sâu, phà chưa có. Chúng tôi điện cho anh Đạo dồn dân công lên đẩy hàng vào nhanh và lệnh cho C3 thiết giáp ưu tiên cõng gạo qua sông Nậm Thơn và vượt đèo Pu Lắc. Máy bay trinh sát định thay nhau lượn vòng dòm ngó suốt ngày đêm. Chúng bắn đạn khói chỉ điểm cho phản lực đến đánh phá. Máy bay T28 ngày nào cũng lò dò đi quan sát, đánh xăm đường, bắn 12,7 ly ném cả lựu đạn và đạn cối. Có anh tức lắm dứ tay lên trời, nghiến răng, kêu: “Con đàm già tép riu dám trêu ông hả? Nếu không vì bí mật chiến trường thì ông cho mày gãy cổ”. Sau các trận thắng ở ngã ba Thát, D42 vào hoạt động ở hai huyện Thà Khẹt vào Nậm Bốc đánh thắng một số trận lớn, bắt tù binh. Địch hoảng sợ lẩn tránh. Nhân dân rất phấn khởi mang cho bộ đội Lào, bộ đôi Việt đủ thứ: Gạo, xôi, rau, cá, chuối… Bà con bảo: “Vào nhà mà ở đi các con! Ngủ ngoài rừng rét lắm”, “Vào nhà các mẹ nấu cơm cho!”. Từ ngày qua tây đường 13, D42 được dân đùm bọc cho ăn no, chấm dứt được cái mà anh em gọi là “đoạn đường bốn băn khoăn, năm day dứt (nghĩa là chỉ có 4 đến 5 lạng gạo một ngày).

          Mặc dầu chưa thông xe trên toàn tuyến, nhưng phía sau đã dồn toàn lực đẩy hàng lên, cộng với tình cảm vô cùng cao quý của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Khăm Muộn, bộ đội 972 chúng tôi được nâng dần suất ăn, ăn no. Khi chiếc xe tải đầu tiên chạy thẳng đến sở chỉ huy thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm về vấn đề gạo, đạn. Nhờ có đủ gạo và đạn mà “Chiến dịch phát triển thuận lợi, đánh thắng giòn giã. Tiêu diệt được bộ phận quan trọng sinh lực địch tạo thế tiến công uy hiếp tinh thần địch, phối hợp cả chiến trường giành thắng lợi lớn trên các mặt, giải phóng một vùng đất rộng lớn liên hoàn, nơi đông dân nhiều của, sát tận bờ sông Mê Kông trên cả hai tỉnh Khăm Muộn và Bô – ly – khăm – xay. Tình đoàn kết Việt – Lào và Quân khu với 2 tỉnh ngày càng gắn bó” – Đồng chí Văn Thoong, Bí thư tỉnh ủy Khăm Muộn đã cảm động phát biểu như thế trong đại hội mừng công chiến dịch 972 năm ấy.

LÊ ĐÌNH SÔ

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Bình luận, góp ý (0)

Chưa có phản hồi

Bạn cần đăng nhập để bình luận

Xem nhiều
Liên kết Website
Tỷ giá

Quân khu - Quân chủng
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội